Friday, February 7, 2020

Nghìn lẻ một cách tự học tiếng Anh (bài 2): Điều kiện "tiền đâu"

Hôm trước tôi có đưa lên bài 1001 cách tự học tiếng Anh, trong đó chỉ đơn giản giới thiệu 1 trang web với 101 cách tự học tiếng Anh, mà cách thứ 101 là ... đăng ký học tiếng Anh với Trung tâm EC, nơi đưa ra bài viết đó.

Vậy là sao? Có phải là, sau khi thử đủ cách (well, đủ 100 cách) bạn vẫn không hề học được, nên cuối cùng cũng phải tham gia học tiếng Anh ở một trung tâm, đúng không?

Đúng, và sai.

Đúng, là vì việc học tiếng Anh hoặc học bất kỳ một ngoại ngữ nào khác đều đòi hỏi phải có một cộng đồng người sử dụng ngôn ngữ ấy để mình học. Ngay từ định nghĩa của nó - ngôn  ngữ là một công cụ giao tiếp của con người - đã mặc định việc chúng ta không bao giờ có thể học một ngoại ngữ một mình để dùng cho riêng mình. Trừ trường hợp chúng ta học một tử ngữ (ngôn ngữ đã chết và không ai dùng nữa) với mục đích nghiên cứu, tất nhiên.

Nhân nhắc tới "tử ngữ", tôi nhớ đến một từ ngày nay chúng ta không dùng nữa nhưng thực sự rất hay, đó là từ "sinh ngữ". Ngôn ngữ còn đang sống. Ví dụ như, tất nhiên rồi, tiếng Việt mà gần 100 triệu người Việt chúng ta đang dùng. Hoặc một sinh ngữ rất quan trọng và đầy sức sống vì nó phát triển liên tục, có một vốn từ khổng lồ trên 1 triệu từ, và có số lượng người sử dụng trên thế giới lớn hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác (nếu không kể tiếng Hoa, vốn là bản ngữ của một quốc gia có đến gần 1 tỷ rưỡi người). Vai trò của tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế đã được xác lập từ thế kỷ 20 và từ khi được xác lập đến nay vị trí quan trọng của nó chưa bao giờ bị thách thức.

Quay trở lại vấn đề chính mà chúng ta đang bàn. Tóm gọn lại trong một câu: muốn học và sử dụng được một sinh ngữ, chắc chắn không thể chỉ học một mình. Nhưng, trừ phi bạn học một ngoại ngữ trong môi trường ngôn ngữ thứ hai - có nghĩa là ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở nơi công cộng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bạn sẽ luôn luôn phải học một mình với một tỷ lệ nào đó. Ví dụ, mỗi tuần bạn chỉ có thể gặp thầy dạy ngoại ngữ khoảng vài tiếng đồng hồ, còn lại chỉ nói tiếng Việt. Nếu bạn may mắn thì có thể dùng ngoại ngữ trong công việc, giả dụ thêm vài tiếng một ngày nữa. Thì bạn cũng chỉ tiếp cận với ngoại ngữ ấy khoảng tối đa 40% thời gian, còn lại là nói tiếng Việt.

Và trong thời gian 60% không đụng chạm đến ngoại ngữ ấy, bạn sẽ quên dần. Đó là nếu bạn đã có vốn sẵn. Còn nếu bạn đang học, thì học ở trường được bao nhiêu mà về nhà không dùng đến thì chắc chắn chỉ buổi học sau thôi là đã quên sạch bữa trước học gì rồi.

Đố là lý do tại sao chúng ta học ngoại ngữ rất nhiều mà sử dụng chẳng được bao nhiêu.

Và đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần phải tự học. Vâng, tất cả những người học ngoại ngữ thành công đều giống nhau ở một điểm, đó là: Họ có khả năng TỰ HỌC.

Nhưng tự học không dễ. Vậy bí quyết là gì? Thực ra, bí quyết thì nhiều nhưng có thể tóm gọn lại trong mấy chữ, mà tôi tạm gọi là điều kiện "tiền đâu".

Tiền đâu là sao? À, là bạn cần có tiền và phải bỏ tiền ra để đến lớp, để có người nói cho mình nghe (người bản ngữ càng tốt), để có người nghe mình nói (dù là nói sai, ha ha), bắt mình đọc, viết, làm bài tập, và rồi sau đó có người sửa lỗi cho mình. 

Nhưng nếu bạn không có tiền thì sao nhỉ? À, thế giới chưa sụp đổ đâu các bạn. Không đến lớp thì cũng không sao, miễn bạn luôn nhớ một nguyên tắc căn bản (đầu tiên - tiền đâu) của việc học ngoại ngữ, đó là: Keep in touch with the language. Hãy luôn tiếp cận với ngôn ngữ mà bạn đang học.

Bằng cách nào ư? Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ trên blog này, nhưng hôm nay xin giới thiệu với các bạn Bob the Canadian, một giáo viên tiếng Anh với kênh youtube rất nổi tiếng. Bob có một clip về tự học rất xuất sắc. Và, với kênh của Bob, bạn có học "một mình" - well, không hẳn thế, vì bạn đang học với Bob cơ mà, nhưng vẫn là học một mình ở nhà - và hoàn toàn miễn phí.

Vâng, miễn phí ạ. Không phải lo vụ "đầu tiên" - tiền đâu nữa. Sounds unreal? But yes, it's real!

Link đây: https://m.youtube.com/watch?v=3y623xixO1c&feature=share