Saturday, March 14, 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (6): "Miễn dịch bầy đàn" và các loại bầy đàn khác

Đang mùa ... mắc dịch, chưa biết đến chừng nào mới hết, nên hẳn là ai cũng mong được miễn dịch. Nhưng... sao lại miễn dịch bầy đàn nhỉ?
Có gì sai sai ở đây chăng? Từ "bầy đàn" trong tiếng Việt là một từ có hàm ý xấu, và có nghĩa là theo đuôi, bắt chước mà không suy nghĩ. Ta hay nghe thấy cụm từ "tâm lý bầy đàn" hoặc "hành vi bầy đàn", là điều mà chắc là nhiều người Việt mắc phải lắm.
Tỷ dụ như mới đây khi phát hiện có ca dương tính số 17 ở Hà Nội, có vài người lo xa nên đi siêu thị mua đồ về dự trữ, người khác thấy thế cũng lo theo, không phải là lo virus mà lo mình chậm chân sẽ bị người ta mua hết, nên cũng phải vội vã chạy đi mua, tạo thành làn sóng đi vơ vét ... mì ăn liền, thật là ngộ nghĩnh  .
Nhưng mắc dịch bệnh là chuyện trời kêu ai nấy dạ, mà miễn dịch (tự nhiên, không phải do đi chích ngừa vì chưa có thuốc) thì trời cho ai nấy được, đâu có chuyện bắt chước đám đông ở đây?
À chẳng qua là tôi cắc cớ dịch nghĩa đen cụm từ "herd immunity" trong tiếng Anh đó thôi. Cụm từ này mấy hôm nay trở nên vô cùng nổi tiếng do có ông Patrick Vallance cố vấn khoa học cho chính phủ Anh về vụ dịch coronavirus phát biểu rằng chính phủ UK có ý không can thiệp sớm để chủ động tạo ra "herd immunity" - miễn dịch bầy đàn. Điều này đại khái cũng giống như khi một bầy thú trong tự nhiên bị ... mắc dịch, con nào yếu yếu sẽ "toi" hết, còn lại những con khỏe thì gắng gượng qua khỏi và được sống sót, trở thành miễn dịch, vậy đó.
Tất nhiên trong tiếng Việt thì người ta không bất lịch sự như vậy, mà gọi đó là "miễn dịch cộng đồng", nghe tử tế hẳn lên. Tiếng Anh cũng có cách nói tương tự là community immunity. Tuy nhiên herd immunity vẫn là cách dùng phổ biến.
Mà không chỉ có herd immunity thôi đâu nhé. Herd còn được dùng trong rất nhiều cụm từ khác, như herd psychology (đúng rồi, tâm lý bầy đàn đó), herd behaviour (hành vi bầy đàn), herd instinct (bản năng bầy đàn), đủ cả.
Nhưng herd chính xác là gì nhỉ? Ờ, thì nó là ... bầy đàn, chứ sao! Là một bầy/đàn thú, loài 4 chân có móng, như đàn bò, trâu, heo, voi, dê, ngựa vv. Riêng đàn gà, vịt, ngan, ngỗng vv thì không được xem là herd nhé. Thì, "hai chân xấu, bốn chân tốt" - các con vật trong Animal Farm của George Orwell đã khẳng định thế còn gì. 
Người mà đi đem so sánh với súc vật thì rõ ràng là người Việt khó chấp nhận vì như thế là xúc phạm. Cho nên ta chỉ thấy từ bầy đàn trong những cụm từ có nghĩa tiêu cực, chứ không dùng với những từ trung tính hoặc tích cực như miễn dịch cộng đồng. Nhưng với tinh thần duy lý của người phương Tây thì từ herd là một từ mô tả trung tính chứ không có nghĩa tiêu cực hay tích cực gì cả.
Herd thực ra còn được xem là một thuật ngữ phổ biến trong ngành tâm lý, và tất cả những từ tôi nêu ở trên như tâm lý bầy đàn, bản năng bầy đàn... đều là thuật ngữ của ngành tâm lý học xã hội (social psychology). Thậm chí ta còn thấy một từ nghe rất khó chịu đối với người Việt là human herding - tạm dịch là "thói theo bầy của con người". Ừ thì con người cũng có phần con ở trong đó; cho nên cũng có nhiều chỗ giống với thú vật, và ta cần quan sát chúng để hiểu rõ mình hơn thôi mà. Đó chính là tư duy duy lý của phương Tây, các bạn ạ.
Chốt lại về tiếng Anh nhé. Hôm nay chúng ta học được cụm từ herd immunity - tức là miễn dịch cộng đồng. Ai cảm thấy cụm từ này không được lịch sự thì cũng có thể dùng một cụm từ khác là community immunity. Chúng ta cũng học được một số cụm từ có chứa từ herd với nghĩa là một bầy súc vật.
Quan trọng hơn chúng ta thấy được sự khác biệt về biểu cảm giữa từ "bầy đàn" trong tiếng Việt và từ herd trong tiếng Anh. Sự khác biệt này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một chút về hai nền văn hóa khác nhau, để có thể kết luận như một nhà văn nào đó đã từng viết: East is East and West is West. Never the twain shall meet. Đông là đông mà Tây là Tây. Cả hai sẽ không bao giờ gặp gỡ.
Thế đấy, học tiếng Anh (hoặc bất kỳ một ngoại ngữ nào khác) đâu chỉ để sử dụng trong công việc, mà còn có cái hay của nó chứ, phải không các bạn? Dân ngoại ngữ (như tôi) đâu phải chỉ là những người ngại nghĩ như người ta hay nói, phải không, hi hi...

Hẹn gặp các bạn trong bài tới. 

No comments:

Post a Comment