Sunday, March 29, 2020

Góc tiếng Việt (1): Dấu hay là giấu?

Góc tiếng Việt (1): Dấu hay là giấu?
---
Chẳng rõ tại sao, mà gần đây tôi hay bắt gặp nhiều lỗi sai tiếng Việt trong các bài viết. Sai đủ loại, nhưng sai chính tả có vẻ nhiều nhất.

Nên phải lập ra mục Góc tiếng Việt này để ghi lại những chỗ sai, và giúp mọi người hết sai bằng cách đưa ra những mẹo nhớ (tiếng Anh là mnemonics [đọc là ni- 'mou- nik, nhấn vần 2]; từ này hiếm, học đi vì bạn mà sử dụng được từ này đúng nơi đúng chỗ là sẽ "khè" được nhiều người lắm đó hi hi).

Nói thêm một chút về mẹo nhớ. Chắc ai hồi còn đi học phổ thông cũng đã từng nhớ những mẹo kiểu như  "phải kính phục thầy" (để nhắc luật số nhiều của những danh từ có âm cuối là f, k, p, t khi thêm -s sẽ đọc là /s/, không phải /z/) hoặc "khi nào cần may áo rét..." (là mẫu tự đầu của tên các kim loại kiềm trong bảng phân loại tuần hoàn theo thứ tự là Kali, Natri, Calcium, Magnesium,...).

Nhờ những mẹo này mà những danh sách dài các từ ngữ hay sự vật không có chút liên hệ gì với nhau đã  kết dính lại với nhau bằng một mối liên hệ "áp đặt" do người đặt mẹo tạo ra để dễ nhớ. Nhờ vậy mà những từ ngữ hoặc sự vật rời rạc đó đã trở thành một khối thống nhất và không thể quên được nữa.

Vậy thì công việc của tôi ở đây chỉ là đi nhặt nhạnh những chỗ các bạn hay sai do lẫn lộn và đặt mẹo nhớ ra cho mọi người cùng nhớ để không bị sai nữa, có vậy thôi.

Nào, bây giờ quay lai "dấu và giấu", chủ đề của hôm nay. Cả hai từ này đều tồn tại trong tiếng Việt nhưng có ý nghĩa khác nhau.

"Dấu" viết với "d" là có nghĩa là "dấu hiệu"; tiếng Anh là "sign".  Còn "giấu" viết với "gi" có nghĩa là "che giấu";  tiếng Anh là "hide". Ngoài ra từ "dấu" còn hay gặp trong cụm từ "yêu dấu" - mặc dù tôi cũng không rõ từ "dấu" ở đây có nghĩa là gì.

Well, giải thích như thế thì chỉ một lần là biết rồi; nhưng khổ một nỗi là vẫn không nhớ được. Trong tiếng Việt cả "dấu" lẫn "giấu" đều được đọc giống nhau trong nhiều phương ngữ (ví dụ người miền Bắc gốc giống như mẹ tôi thì đều đọc cả hai từ bằng âm /z/ có hơi gió), nên đến lúc viết thì cũng không nhớ rõ là cần phải dùng "d" hay "gi". Cho nên cần phải có một mẹo gì đó để có thể nhớ.

Ok, cần mẹo thì mẹo đây. Trong bảng chữ cái thì d đứng trước "g", có phải không?  Vậy hãy nhớ những câu này, trong đó có dấu và giấu xuất hiện theo đúng thứ tự alphabet:

"Em yêu dấu, anh chẳng có gì để phải giấu em cả."

(Ái chà chà, anh chàng này ngày nào mà phải nói câu này thì chắc chắn là đang có một cái gì đó cần phải giấu,  các bạn nhỉ.  Đáng ngờ quá đi thôi.)

Một câu khác nhé:

"Đã có dấu hiệu của sự che giấu thông tin".

Vâng, che giấu thông tin là cụm từ ta thường xuyên gặp vào lúc này, giữa mùa đại dịch. Người ta đang nghi ngờ không biết Trung Quốc có giấu thông tin về về bệnh dịch ở nước này hay không, khi số lượng tử vong cho tới nay vẫn chỉ hơn 3.000 người trong khi các nước khác như Mỹ hoặc Ý đã vượt qua con số này nhiều rồi.

"Giấu" thông tin, chứ không phải là "dấu" như sáng giờ tôi đã bắt gặp vài lần trong các status mà tôi đọc rồi các bạn nhé.

Nào, lần cuối cùng chúng ta hãy lặp lại, nhất là các bạn trai đang có bồ nhí giấu ở đâu đó cần phải thề thốt với vợ:

Em yêu dấu anh chẳng có gì phải giấu em cả...

[Vâng , xin thề đó đúng là sự thật: Anh không giấu "cái gì" cả, anh chỉ giấu một cô bồ nhí thôi mà ...]

:) :) :)
Happy Sunday, các bạn nhé!

Tuesday, March 24, 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (10): Gói hỗ trợ, dỡ bỏ phong tỏa, và "đóng cửa mềm"

Tiếng Anh theo dòng thời sự (10): Gói hỗ trợ, dỡ bỏ phong tỏa, và "đóng cửa mềm"
-----
Đại dịch cúm Vũ Hán đến nay đã quá hai tháng,  và ngày càng lan rộng trên hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Tâm trạng của mọi người từ hoảng loạn, chạy đôn chạy đáo trốn dịch chuyển sang chấp nhận, chịu đựng và tìm cách giảm thiểu khó khăn để chờ ngày hết dịch.

Điều này thể hiện rõ qua các tựa báo của ngày hôm nay.  Nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai hoặc thảo luận về khả năng áp dụng các gói hỗ trợ - stimulus package -  để hỗ trợ các doanh nghiệp và giúp dân chúng vượt qua cơn khốn khó này. 

Thực ra, nếu dịch nghĩa đen thì phải dịch stimulus package là "gói kích thích", vì từ stimulus có nghĩa là "kích thích". Điều này cũng là nghĩa gốc của cụm từ  stimulus package trong tiếng Anh vì các gói hỗ trợ (có khi còn được dịch là cứu trợ) trước hết là nhắm tới mục đích kích thích nền kinh tế để không bị đình trệ dẫn tới khủng hoảng. Còn gói hỗ trợ thì phải dịch là aid package mới chính xác. Ngoài ra chúng ta cũng thấy cụm từ emergency package, được dịch thành gói cứu trợ khẩn cấp.

Từ stimulus còn được biết đến trong cụm từ "stimulus and response" -  (kích thích và đáp ứng) mà những ai học ngành tâm lý-giáo dục hẳn đã từng nghe thấy  khi học về thí nghiệm kinh điển của Pavlov liên quan đến phản xạ có điều kiện. (Có ai còn nhớ đến con chó chảy nước miếng khi nghe tiếng chuông của Pavlov không? Nếu không thì còn chờ gì nữa; lên Google mà tìm đi chứ!)

Dưới đây là một vài tựa báo trong ngày hôm nay có sử dụng đến cụm từ  stimulus package hoặc một vài cụm từ liên quan như stimulus bill (đạo luật hỗ trợ), stimulus deal (thương lượng về gói hỗ trợ).... Nghĩa tiếng Việt của các tựa báo này thì các bạn tự dùng google mà giải quyết nhé.

1. Mnuchin, Schumer optimistic on coronavirus stimulus package, say deal is close (NBC News March 24th 2020) -  Đây là tin ở Mỹ.

2. New Coronavirus Stimulus Bill In Congress Creates U.S. Digital Dollar (Forbes, March 24th 2020) - Đây  cũng là tin ở Mỹ.

3. B.C. announces $5B coronavirus aid package for individuals, businesses (Global News March 23rd 2020) - Còn đây là tin ở Canada.

Trong khi các nước phương Tây đang vẫn còn lúng túng với sự bùng phát nhanh chóng của cơn đại dịch lịch thi ở Trung Quốc cuộc sống như đang dần trở lại bình thường và người ta bắt đầu nói đến việc dỡ bỏ phong tỏa cũng như các hạn chế về du lịch.

Bạn có hình dung ra từ "dỡ bỏ" trong tiếng Anh là gì không? Nếu bạn dùng Google dịch thì sẽ sẽ được cung cấp từ remove. Ví dụ như "dỡ bỏ phong tỏa" sẽ được Google dịch là "remove blockade". Từ remove không phải là sai nhưng thực ra trong tiếng Anh người ta chỉ dùng một từ thông dụng và đơn giản là lift.

Vâng, lift giống như là nhấc lên, nâng lên đấy ạ. Nhắc tới dỡ bỏ làm tôi nhớ lại cụm từ "lift the embargo" - dỡ bỏ lệnh cấm vận - mà báo chí Mỹ thường xuyên nhắc đến vào thập niên 1990 trước khi nước Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995. Lúc ấy được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận là một tin vui rất lớn đối với tất cả mọi người Việt Nam không phân biệt Nam Bắc.

Bạn hãy đọc các tựa báo sau đây để xem cách người ta sử dụng từ lift này.

4. China to lift travel restrictions in Hubei after months of coronavirus lockdown (The Guardian March 24th 2020)

5. China to lift lockdown on Wuhan, ground zero of coronavirus pandemic (CNN March 24th 2020)

Thế còn "đóng cửa mềm" là gì vậy? Đó là cách tôi dịch từng chữ cụm từ "soft closure". Cụm từ này có nghĩa là "đóng cửa một phần" (tức là chưa phải đóng cửa hoàn toàn), một biện pháp mang tính ngăn ngừa để tránh sự bùng phát không kiềm chế được, như đã xảy ra ở một số nơi. Ví dụ như ở bang Idaho, soft closure có nghĩa là học sinh không đến lớp nhưng thầy cô vẫn có thể đến trường để làm việc, họp hành hoặc chuẩn bị dạy online.

6. State Board of Education orders 'soft closure' of all classroom facilities through April 20 (Idaho State Journal March 24th 2020)

Cũng là đóng cửa mềm, nhưng ở Cali, một trong những nơi có số ca nhiễm cao của Mỹ, "soft closure" lại có nghĩa hơi khác. Cụm từ này được dùng để chỉ việc đóng cửa các bãi đậu xe công cộng nhằm hạn chế người dân đi ra đường.

Điều này xảy ra sau khi người dân vùng Bay Area đổ xô ra bãi biển vào cuối tuần qua trong thời gian có lệnh cách ly tại nhà. Hẳn là để giảm stress, đỡ cuồng cẳng, nhưng như thế thì khả năng lây nhiễm cũng tăng lên. Đặc biệt là nếu người ta không tuân thủ luật social distancing là đứng cách xa nhau 2 thước.

7. Gov. Gavin Newsom announces ‘soft closure’ of state parks by blocking off parking lots (LA Times, March 24th 2020)

Đấy, thế là xoay quanh chủ đề dịch bệnh này các bạn đã học được biết bao nhiêu là từ vựng tiếng Anh rồi. Nhiều nhất là các từ liên quan đến hạn chế đi lại, tiếp xúc. Nào là phong tỏa, cách ly, cô lập, cách ly xã hội, cách ly nghề nghiệp, rồi hôm nay là "đóng cửa mềm". Nhưng đã có phong tỏa, thì cũng phải đến ngày dỡ bỏ phong tỏa chứ. Đầu tiên là ở TQ, cũng là nơi xuất phát dịch bệnh mà người ta gọi là ground zero - vùng đất zero. Chúng ta cùng cầu cho chóng đến ngày mọi loại phong tỏa cách ly cô lập ... đều được dỡ bỏ trên toàn thế giới các bạn nhé.

Sunday, March 22, 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (9): Điểm báo ngày 22 tháng 3 năm 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (9):  Điểm báo tuần 22 tháng 3 năm 2020
-----
Mục tiếng Anh theo dòng thời sự của tôi đã bước sang tuần thứ ba ra mà mà chủ đề vẫn cứ xoay quanh có mỗi một con virus Corona hay còn gọi là con cúm Tàu đó thôi. Thật là chán hết biết, xét cả về khía cạnh ngôn ngữ lẫn thực tế của cuộc sống, hu hu...

Do dịch cúm Vũ Hán đã lan rộng khắp toàn cầu và không biết đến bao giờ mới chấm dứt vì chưa tìm được thuốc chữa, nên các quốc gia  bắt đầu đưa ra những biện pháp để đối phó với dịch cúm lâu dài.

Một trong những biện pháp ấy là chuyển sang làm việc tại nhà -  working from home. Đây là một biện pháp được xem là tối ưu vì giải quyết được nhiều vấn đề trong thời đại dịch - vừa tránh lây lan vừa giảm chi phí.

1. Working from home can make people more productive. Just not during a pandemic. (Vox, March 20th 2020)
Làm việc tại nhà giúp cho mọi người tăng hiệu quả. Và không chỉ trong thời gian đại dịch.

Nhưng không phải cơ quan nào cũng đồng ý với việc chuyển sang làm việc tại nhà. Một số cơ quan vẫn yêu cầu nhân viên đến nơi làm việc theo quy định và điều đó làm cho họ phẫn nộ.

2. Staff angered as Charter prohibits working from home despite spread of Coronavirus (Techcrunch, March 16th, 2020)
Nhân viên công ty Charter tức giận vì bị cấm làm việc tại nhà, bất chấp sự lây lan của coronavirus.

Lý do mà các cơ quan không sẵn sàng cho nhân viên của mình làm việc tại nhà cũng dễ hiểu: làm sao kiểm soát được nhân viên 100%  thời gian như ở cơ quan?

Nhưng dù muốn dù không thì các cơ quan cũng phải chuyển dần sang sang làm việc tại nhà để bớt tiếp xúc. Đây là hình thức cách ly mà người ta gọi là  professional distancing - tạm dịch là cách ly nghề nghiệp - bên cạnh hình thức cách ly xã hội (social distancing).

3. Coronavirus compels companies to embrace remote working (Financial, Times March 17th 2020)
Các công ty phải chấp nhận làm việc từ xa vì Coronavirus.

Chuyển sang một chủ đề nóng khác. Trong tuần vừa qua, các ca nhiễm và tử vong tại Ý vẫn tiếp tục tăng vọt. Với số ca tử vong thậm chí đã vượt qua cả Trung Quốc, Ý đã trở thành tâm chấn mới của Trần bệnh cúm Vũ Hán khủng khiếp này.

4. Italy, Pandemic’s New Epicenter, Has Lessons for the World (New York Times March 21st 2020)
Ý, tâm chấn mới của cơn đại dịch, có những bài học cho thế giới.

Nhưng nạn dịch ở Trung Quốc cũng chưa hẳn là đã chấm dứt. Mặc dù trong nhiều ngày Trung Quốc không có có những ca nhiễm mới trong nước, nhưng lại bị những ca nhiễm mới có liên quan đến nước ngoài mà báo chí gọi là các "ca nhiễm được nhập khẩu" - imported cases.

5. China scrambles to curb rise in imported coronavirus cases (Reuters, March 22nd 2020)
Trung Quốc vất vả ngăn chặn sự gia tăng của những ca nhiễm Coronavirus có liên quan đến nước ngoài

Đại dịch giờ đây đã lan rộng khắp thế giới và đụng chạm đến đủ mọi giới không chừa một ai. Trước đó là các quan chức chính trị ở Iran, rồi gần đây là giới tu sĩ tại Ý,  và hôm nay đến lĩnh vực thể thao.

6. Former Real Madrid president dies from coronavirus (Associated Press March 22nd 2020)
Cựu Chủ tịch của Real Madrid qua đời vì nhiễm Coronavirus.

Tin về đại dịch ngày viết càng buồn. Chúng ta hãy cố gắng kết thúc bài điểm tin hôm nay bằng một tin vui hơn một chút.

Bị kẹt ở nhà dài ngày ư? Thay vì đi ra đi vào một cách buồn chán hoặc dán mắt vào chiếc điện thoại hoặc màn hình vi tính, tại sao chúng ta không thử nhìn lên bầu trời cao, rồi sau đó viết lời mô tả chia sẻ với mọi người trên mạng xã hội.

7. Stuck at home? Look to the skies (CNN March 21st 2020)

Đó chính là lời khuyên của Megan Eaves, một nhà văn và cũng là một nhà thiên văn học nghiệp dư, khi cô đọc được những lời than phiền của bạn bè trên trang Twitter. Cô nói:

"It's just everybody sort of going out at, theoretically, the same time each night wherever they are and having a little look up at the sky. We all know that we're all living under the same sky, which is really beautiful. I think it brings a sense of connection and hopefully can bring us together in a small way during this time of scary difficulties."

Và đó cũng là lời khuyên của tôi dành cho các bạn. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý nhưng trước khi đồng ý hoặc không thì bạn cần phải dịch đoạn ấy ra tiếng Việt trước hihi.

Trước khi kết thúc xin nhắc lại những từ mới gặp hôm nay:

1.  social distancing - cách ly xã hội
2.  professional distancing - cách ly nghề nghiệp
3. die from Coronavirus - chết vì nhiễm Coronavirus ( lưu ý giới từ from sau die)
4.  remote working hoặc working from home - làm việc từ xa hoặc làm việc tại nhà
5. prohibit working from home - cấm làm việc tại nhà
6. stuck at home -  bị kẹt tại nhà
7. pandemic's new epicenter - tâm chấn mới của đại dịch

Vậy nhé các bạn. Chúc các bạn khỏe mạnh để học tiếng Anh cho tốt và sẵn sàng cho một thế giới sau đại dịch.

Tuesday, March 17, 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (8): Xét nghiệm trên đường, phong tỏa diện rộng, và đóng cửa hoàn toàn

Loạt bài tiếng Anh theo dòng thời sự này tôi viết đã được gần 1 chục bài, mà hầu như vẫn chỉ xoay quanh có mỗi một chủ đề dịch cúm Vũ Hán thôi, và chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Nhưng thôi, với người học tiếng Anh thì nhồi đi nhồi lại một chủ đề - và đây là hoàn toàn tự nhiên chứ không phải là do dàn dựng trước - cũng là một cách để "thụ đắc ngôn ngữ - acquire a language" mà không cần phải nỗ lực một cách vất vả, nhàm chán. Thì, như người Anh vẫn thường nói, "Every cloud has a silver lining" mà lại.

Nhân tiện, ai chưa biết câu này có nghĩa là gì, thì cần học ngay đi thôi, vì sử dụng được thành ngữ, tục ngữ khi giao tiếp là một dấu hiệu của khả năng ngôn ngữ ở mức cao đấy. Câu tiếng Việt tương đương của câu tục ngữ trên là "trong cái rủi có cái may". Còn tại sao lại như vậy thì, well, bạn chỉ cần gõ lên google search câu hỏi "every cloud has a silver lining là gì?", Dr. Google sẽ giải thích cho bạn cặn kẽ. Quả thật, chưa bao giờ việc tự học lại dễ như thời nay, cho nên ai mà ... dốt, cái gì cũng không biết, thì chỉ có thể tự trách mình thôi, thật thế.

Nào, giờ thì quay lại với bài học hôm nay. Chắc hẳn trong mấy ngày qua các bạn đã đọc những tin tức liên quan đến việc Mỹ bắt đầu thực hiện việc "xét nghiệm trên đường (có nơi dịch là xét nghiệm trên xe)", tức là không cần đến bệnh viện mà cứ ngồi trên xe hơi "lái xuyên qua" (drive-thru) các trạm xét nghiệm (testing) giống như lái xe qua trạm thu phí ở các xa lộ, và được trả kết quả ngay lập tức (xem hình).

Từ drive-thru (hoặc drive-through) thì không mới trong tiếng Anh. Phổ biến nhất là drive-through restaurants, đa số là fast food, nơi khách hàng có thể chạy xe đến nơi, thò đầu qua cửa kiếng xe để trả tiền và nhận hàng, rồi tiếp tục lái đi mà không cần phải xuống xe và tìm chỗ đậu xe - đôi khi rất khó tìm. Nhưng drive-thru testing thì quả là mới thấy trong mùa đại dich này thôi. Hàn quốc đã áp dụng cách xét nghiệm này trước và đã tương đối thành công trong việc khống chế dịch, còn bây giờ thì Mỹ bắt đầu áp dụng.

Riêng VN, chắc là còn lâu mới có, nhưng mà không sao, chúng ta có cách của mình, tức là cứ cách ly, cô lập và phong tỏa mà áp dụng. Mà cũng hiệu quả ra phết, nhỉ. Cách ly và cô lập (quarantine và isolate/isolation) thì người VN đã quen rồi, còn phong tỏa (lockdown) thì cho đến nay mới thấy làm trên phạm vi hẹp như Sơn Lôi thôi, chứ chưa phải phong tỏa diện rộng (large-scale lockdown) như ở nhiều nơi.

Mặc dù VN so ra vẫn còn tương đối yên ổn (?) nhưng rõ ràng là không thể chủ quan, vì sau một thời gian dừng lại ở con số 16 ca thì gần đây số ca nhiễm bỗng tăng vọt, đến giờ đã quá 50 chỉ trong vòng một tuần lễ. Mới đây, VN đã thắt chặt kiểm soát hơn bằng cách đóng cửa (shutdown) một số dịch vụ không thiết yếu mà lại dễ lây nhiễm như karaoke, massage, spa ... Nhưng dù sao cũng đỡ hơn nhiều nơi khác, chỉ là đóng cửa một phần (partial shutdown) chứ như ở Ý chẳng hạn, toàn bộ mọi hoạt động đều bị đóng cửa (complete shutdown), và các thành phố lớn ngày nào đông đúc là thế giờ vắng lặng như những thành phố ma.

 Nào, chúng ta ôn lại nhưng từ vừa học theo dòng thời sự hôm nay nhé:

- xét nghiệm trên xe/ trên đường = drive-thru testing
- phong tỏa diện rộng = large-scale lockdown (nếu bạn tra google translate app, nó sẽ cho kết quả như thế này: wide area blockage - và tất nhiên không ai nói như thế các bạn nhé)
- đóng cửa hoàn toàn = complete shutdown.

Vậy đó, thời dịch bệnh nên những từ cần học cũng ảm đạm. Nhưng chắc chỉ cần học qua một lần là chúng ta sẽ nhớ những từ này suốt đời thôi. Vì học cách học ngoại ngữ tốt nhất là "sống" nó, trải nghiệm nó, để có thể thụ đắc không chỉ qua đầu óc, mà còn qua cảm xúc nữa, các bạn ạ.

Xin hẹn các bạn ngày mai.

Sunday, March 15, 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (7): Điểm báo hàng tuần ngày 15 tháng 3 năm 2020

Hôm nay là giữa tháng 3 rồi. Dịch cúm Vũ Hán kéo dài từ hôm Tết đến giờ đã gần 2 tháng, nhưng chưa hề có dấu hiệu giảm đi. Mở các trang báo chí quốc tế ra vẫn chỉ có cúm Vũ Hán là chủ đề nổi bật.

Trước hết là tranh cãi về quan điểm "miễn dịch cộng đồng" của nước Anh. Nhìn chung, nhiều người phản đối  quan điểm miễn dịch cộng đồng vì có vẻ nguy hiểm và dẫn đến những hậu quả không lường trước được:

1. Some scientists say UK virus strategy "risks lives" (BBC March, 15th 2020) - Một số nhà khoa học nói rằng chiến lược về virus của nước Anh gây nguy cơ tổn thất nhân mạng.

2. UK's 'herd immunity' approach to tackling coronavirus questioned by World Health Organisation (Evening Standard, March 15th 2020) - Tổ chức Y tế thế giới nghi ngờ về cách tiếp cận "miễn dịch cộng đồng" của Anh để ứng phó với Coronavirus.

Các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, trong đó có nước Anh với quan điểm miễn dịch cộng đồng nổi tiếng ở trên. Còn nếu xét khối Anglo-Saxon thì bây giờ có thêm cả Mỹ lẫn Úc.

3. Coronavirus cases jump as France closes all cafes and other non-essential locations in call for 'more discipline' (ABC - Úc, March 15th 2020) - Số ca nhiễm Coronavirus tăng vọt; nước Pháp đóng cửa mọi quán cà phê và các điểm sinh hoạt không thiết yếu khác trước yêu cầu "tăng cường kỷ luật".

4. Coronavirus quarantine announced for Australia, with all arrivals required to self-isolate (ABC - Úc, March 15th 2020) -  Chính phủ Úc công bố yêu cầu kiểm dịch Coronavirus; tất cả những người mới nhập cảnh Úc đều buộc phải tự cách ly.

5. Coronavirus: US to extend travel ban to UK and Ireland (BBC March, 14th 2020) - Mỹ mở rộng việc cấm du lịch đến Anh và Ireland.

Trước tình hình lan rộng của Coronavirus trên toàn thế giới có một điều ngộ nghĩnh đang xảy ra không chỉ ở thế giới thứ ba như Việt Nam, mà xảy ra ngay trong thế giới thứ nhất là Mỹ và châu Âu: mọi người đổ xô đi xếp hàng trong siêu thị để vơ vét hàng hóa. Các dãy kệ hàng trong siêu thị trống trơn không còn bất cứ cái gì, mà buồn cười là họ dành nhau để mua  mua giấy vệ sinh  chứ không phải là cái gì quý hiếm cả.

Vì sao lại như thế? Báo Time của Mỹ giải thích trong bài dưới đây.

6. In the wake of Coronavirus, here's why Americans are hoarding toilet paper (Time, March 14th 2020) -
Trước sự tấn công của Coronavirus, đây là lý do vì sao người Mỹ lại tích trữ giấy vệ sinh.

Bài này thú vị (xem hình), ai thích thì có thể chép về đưa lên google dịch, rồi thấy chỗ nào khó hiểu thì đưa lên đây chúng ta cùng trao đổi nhé.

Và cuối cùng, xin quay lại Trung Quốc, nơi xuất phát của đại dịch Coronavirus. Tình hình Trung Quốc có gì mới?

Sau mấy tháng cơn đại dịch hoành hành và vẫn chưa chưa có vẻ gì là sắp kết thúc, thuốc chữa trị vẫn chưa có, Trung Quốc đang khuyến khích người dân quay về với y học cổ truyền. Tuy nhiên người dân Trung Quốc dường như không tin tưởng lắm vào  sự sự tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc. Đó lời góc nhìn của phóng viên CNN như trong tựa  bài báo sau đây:

7. Beijing is promoting traditional medicine as a 'Chinese solution' to coronavirus. Not everyone is on board (CNN, March 14th 2020) - Bắc Kinh đang quảng bá y học cổ truyền như một "giải pháp của Trung Quốc" đối với coronavirus.  Không phải ai cũng đồng tình.

Tạm thời như vậy các bạn nhé.  Tôi hy vọng rằng sau khi nhào đi nhào lại với chủ đề Coronavirus này thì các bạn đã đọc các tựa báo nói trên một cách khá dễ dàng và nhận ra nhiều từ đã học. Nhưng nếu không nhớ những gì đã học thì cũng chẳng sao; ít ra chúng ta cũng vừa đọc được một số tin tức thú vị.

Mà muốn học ngoại ngữ cho thành công cũng chỉ cần như thế: học đến đâu dùng đến đấy. Học để sử dụng chứ không phải là học một hệ thống cho uyên bác rồi để đó không dùng. Cứ kiên nhẫn rồi trước sau gì các bạn cũng sẽ giỏi tiếng Anh thôi. Khi ấy nhớ trả tiền cho bà giáo già yêu nghề này nhé :).

Hẹn gặp các bạn vào ngày mai.

Saturday, March 14, 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (6): "Miễn dịch bầy đàn" và các loại bầy đàn khác

Đang mùa ... mắc dịch, chưa biết đến chừng nào mới hết, nên hẳn là ai cũng mong được miễn dịch. Nhưng... sao lại miễn dịch bầy đàn nhỉ?
Có gì sai sai ở đây chăng? Từ "bầy đàn" trong tiếng Việt là một từ có hàm ý xấu, và có nghĩa là theo đuôi, bắt chước mà không suy nghĩ. Ta hay nghe thấy cụm từ "tâm lý bầy đàn" hoặc "hành vi bầy đàn", là điều mà chắc là nhiều người Việt mắc phải lắm.
Tỷ dụ như mới đây khi phát hiện có ca dương tính số 17 ở Hà Nội, có vài người lo xa nên đi siêu thị mua đồ về dự trữ, người khác thấy thế cũng lo theo, không phải là lo virus mà lo mình chậm chân sẽ bị người ta mua hết, nên cũng phải vội vã chạy đi mua, tạo thành làn sóng đi vơ vét ... mì ăn liền, thật là ngộ nghĩnh  .
Nhưng mắc dịch bệnh là chuyện trời kêu ai nấy dạ, mà miễn dịch (tự nhiên, không phải do đi chích ngừa vì chưa có thuốc) thì trời cho ai nấy được, đâu có chuyện bắt chước đám đông ở đây?
À chẳng qua là tôi cắc cớ dịch nghĩa đen cụm từ "herd immunity" trong tiếng Anh đó thôi. Cụm từ này mấy hôm nay trở nên vô cùng nổi tiếng do có ông Patrick Vallance cố vấn khoa học cho chính phủ Anh về vụ dịch coronavirus phát biểu rằng chính phủ UK có ý không can thiệp sớm để chủ động tạo ra "herd immunity" - miễn dịch bầy đàn. Điều này đại khái cũng giống như khi một bầy thú trong tự nhiên bị ... mắc dịch, con nào yếu yếu sẽ "toi" hết, còn lại những con khỏe thì gắng gượng qua khỏi và được sống sót, trở thành miễn dịch, vậy đó.
Tất nhiên trong tiếng Việt thì người ta không bất lịch sự như vậy, mà gọi đó là "miễn dịch cộng đồng", nghe tử tế hẳn lên. Tiếng Anh cũng có cách nói tương tự là community immunity. Tuy nhiên herd immunity vẫn là cách dùng phổ biến.
Mà không chỉ có herd immunity thôi đâu nhé. Herd còn được dùng trong rất nhiều cụm từ khác, như herd psychology (đúng rồi, tâm lý bầy đàn đó), herd behaviour (hành vi bầy đàn), herd instinct (bản năng bầy đàn), đủ cả.
Nhưng herd chính xác là gì nhỉ? Ờ, thì nó là ... bầy đàn, chứ sao! Là một bầy/đàn thú, loài 4 chân có móng, như đàn bò, trâu, heo, voi, dê, ngựa vv. Riêng đàn gà, vịt, ngan, ngỗng vv thì không được xem là herd nhé. Thì, "hai chân xấu, bốn chân tốt" - các con vật trong Animal Farm của George Orwell đã khẳng định thế còn gì. 
Người mà đi đem so sánh với súc vật thì rõ ràng là người Việt khó chấp nhận vì như thế là xúc phạm. Cho nên ta chỉ thấy từ bầy đàn trong những cụm từ có nghĩa tiêu cực, chứ không dùng với những từ trung tính hoặc tích cực như miễn dịch cộng đồng. Nhưng với tinh thần duy lý của người phương Tây thì từ herd là một từ mô tả trung tính chứ không có nghĩa tiêu cực hay tích cực gì cả.
Herd thực ra còn được xem là một thuật ngữ phổ biến trong ngành tâm lý, và tất cả những từ tôi nêu ở trên như tâm lý bầy đàn, bản năng bầy đàn... đều là thuật ngữ của ngành tâm lý học xã hội (social psychology). Thậm chí ta còn thấy một từ nghe rất khó chịu đối với người Việt là human herding - tạm dịch là "thói theo bầy của con người". Ừ thì con người cũng có phần con ở trong đó; cho nên cũng có nhiều chỗ giống với thú vật, và ta cần quan sát chúng để hiểu rõ mình hơn thôi mà. Đó chính là tư duy duy lý của phương Tây, các bạn ạ.
Chốt lại về tiếng Anh nhé. Hôm nay chúng ta học được cụm từ herd immunity - tức là miễn dịch cộng đồng. Ai cảm thấy cụm từ này không được lịch sự thì cũng có thể dùng một cụm từ khác là community immunity. Chúng ta cũng học được một số cụm từ có chứa từ herd với nghĩa là một bầy súc vật.
Quan trọng hơn chúng ta thấy được sự khác biệt về biểu cảm giữa từ "bầy đàn" trong tiếng Việt và từ herd trong tiếng Anh. Sự khác biệt này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một chút về hai nền văn hóa khác nhau, để có thể kết luận như một nhà văn nào đó đã từng viết: East is East and West is West. Never the twain shall meet. Đông là đông mà Tây là Tây. Cả hai sẽ không bao giờ gặp gỡ.
Thế đấy, học tiếng Anh (hoặc bất kỳ một ngoại ngữ nào khác) đâu chỉ để sử dụng trong công việc, mà còn có cái hay của nó chứ, phải không các bạn? Dân ngoại ngữ (như tôi) đâu phải chỉ là những người ngại nghĩ như người ta hay nói, phải không, hi hi...

Hẹn gặp các bạn trong bài tới. 

Tiếng Anh theo dòng thời sự (5): Miền Tây hạn hán và những việc liên quan

Chào các bạn, học tiếng Anh mùa đại dịch mãi cũng chán, phải không? Vậy hôm nay chúng ta đổi món để học tiếng Anh theo dòng thời sự của Việt Nam nhé. Một cái tin đang làm cho mọi người rất quan tâm không kém gì tin về Coronavirus ở Việt Nam là việc đồng bằng sông Cửu Long đang hạn hán đến mức khẩn cấp.
Hạn hán trong tiếng Anh là gì nhỉ? Dễ thôi, cứ tra Google Translate app là ra ngay. Vâng nó là drought đấy ạ. Dễ quá phải không? Drought, gồm cặp phụ âm đầu dr- giống như trong từ drive, và phần vần là -ought, giống như trong các từ ought ( trợ động từ với nghĩa là "phải", "nên"), hoặc phần vần của từ thought (quá khứ của từ think). Dễ ợt mà.
À à... nhưng mà cẩn thận đấy các bạn ạ. Nào, khi bạn tra nghĩa của từ drought bạn cũng tra luôn cách đọc đấy chứ? Hay không cần tra vì bạn nghĩ bạn biết cách đọc rồi? Vậy xin mời bạn làm một bài kiểm tra rất nhỏ: hãy chọn một từ mà trong đó nguyên âm "ou" có cách đọc giống như từ drought trong số những từ dưới đây:
A. though B. could C. round. D. cough
Nào, bạn đã chọn xong rồi chứ? Bây giờ bạn kiểm tra đáp án nhé. Đáp án là C. Nếu bạn chọn đúng ngay lập tức mà không cần suy nghĩ thì bạn rất giỏi và không cần đọc những bài học tiếng Anh của tôi nữa. Trừ phi biết rồi mà vẫn thích đọc (hì hì). Còn nếu bạn chọn đúng sau khi tra cách đọc của mỗi từ trên google translate app thì xin chúc mừng: bạn đã biết cách tự học rồi đấy.
Và nếu bạn chọn sai thì cũng không có gì vì phải phiền muộn vì tôi tin rằng phải đến 70, 80% người Việt Nam bị lúng túng ở chỗ này. Vì chẳng có ngôn ngữ nào rối như tiếng Anh cả: viết một đằng, đọc một nẻo, mà lúc nào muốn đọc kiểu nào thì đọc, có luật lệ quái gì đâu nên không ai biết đường nào mà lần.
Nhân tiện xin nói thêm: câu hỏi ở trên là một dạng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong bài bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh. Nếu bạn hỏi tôi làm sao để nhìn mặt chữ mà đọc cho đúng thì xin khất với các bạn để viết một bài khác. Bài để giải thích các các luật lệ về nhìn mặt chữ là đọc đúng âm của tiếng Anh.
Nhưng xin cảnh báo trước: luật phát âm dựa trên chính tả của tiếng Anh rất nhiều và mỗi luật đều có ngoại lệ lệ cho nên nên nếu bạn học luật thì bạn sẽ phải học rất nhiều luật và học thêm những từ ngoại lệ nữa. Tính qua tính lại thì có khi học thuộc lòng từng từ còn dễ hơn là học luật để áp dụng vì không biết lúc nào áp dụng luật nào hihi...
Trở lại đồng bằng sông Cửu Long. Hạn hán chỉ là một trong những những mối đe dọa đối với vựa thóc của cả nước. Hiện nay đồng bằng sông Cửu Long còn bị nhiễm mặn nữa - vâng, salinity (nhấn vần 2, sa-'li-ni-ti) đấy ạ, nếu bạn chưa nghe đến từ này bao giờ thì học đi chứ còn chờ gì nữa. À mà đừng đưa vào Google Translate app nhé, vì đến lúc ấy nó sẽ dịch "đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn" thành "đồng bằng sông Cửu Long bị ... ướp muối" - the Mekong Delta is salted!!!!
Tóm gọn lại, hôm nay chúng ta học hai từ liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long là hạn hán và nhiễm mặn - drought (đọc giống nguyên âm của từ round) và salinity (nhấn vần 2). Và để kết thúc buổi học xin các bạn hãy dịch đoạn ngắn sau đây sang tiếng Việt; cố gắng tự dịch trước khi nhờ đến Google Translate:
-----
Vietnam’s prolonged drought, coupled with an extensive build-up of salinity, have driven five provinces in the country’s rice bowl to declare a state of emergency.
“This year’s drought and salinity have been way more devastating than what we saw four years ago,” said Nguyen Thien Phap, head of the water resources department in Tien Giang, one of the provinces that announced the emergency in the Mekong Delta.
( South China Morning Post, March 7th 2020)
Vậy nhé các bạn. Từ từ và đều đều, mỗi ngày học một chút, chăm chỉ cần mẫn. Như một con kiến tha lâu cũng đầy tổ, chẳng bao lâu bạn sẽ giỏi tiếng Anh để đọc báo một mình với sự trợ giúp của Google. Sẽ không bao giờ phải mất thì giờ và tốn tiền đến lớp ngồi học nữa.
Good luck my friends, and see you next time.

Tiếng Anh theo dòng thời sự (4): Cách ly hay cô lập?

Hôm trước tôi có viết bài về phong tỏa và cách ly, trong đó có nói đến hai cách dịch từ "cách ly" sang tiếng Anh là (1) isolate (isolation nếu là danh từ), và (2) quarantine (danh từ với động từ giống nhau). Tôi cũng viết rằng rằng hai từ này đồng nghĩa với nhau; muốn dùng từ nào cũng được.


Nói như thế không phải là sai vì người thường, không có chuyên môn về dich tễ học như tôi thì thấy cách ly nào cũng là cách ly. Tức là là tránh đi đến đám đông và cũng tránh gặp người khác. Các nhà báo ở Việt Nam có vẻ cũng thế, chỉ dùng từ cách ly chứ không mấy khi thấy dùng từ cô lập.
Nhưng hôm nay đọc báo mới thấy hai từ này thực ra là có khác biệt. Nói ngắn gọn, cách ly là dành cho người chưa bị xác định là có bệnh nhưng có khả năng đã bị phơi nhiễm. Ví dụ như khi biết có ca thứ 17 bị bệnh thì ngay lập tức toàn bộ khu vực quanh nhà cô ta đều bị cách ly, dù chưa biết những người ở trong đó có bị nhiễm hay chưa. Còn "cô lập" là dành cho những người biết chắc chắn là có bệnh. Vì họ có bệnh nên phải cô lập họ lại, không cho đi lung tung để không lây bệnh cho người khác. Ví dụ như ca thứ 17 lẽ ra phải bị cô lập ngay từ khi mới về đến sân bay, vì cô ấy đã biết mình bị bệnh từ khi ở nước ngoài.
Well, nghe giải thích xong rồi thì có thể bạn sẽ thấy thật ra cũng giống nhau thôi; cũng là khoanh vùng lại hạn chế tiếp xúc với người khác để không làm dịch bệnh lây lan. Nhưng đối với dịch tễ học thì hai từ này rõ ràng là rất khác nhau. Và khi đang có đại dịch như hiện nay thì rõ ràng đọc báo phải phân biệt rõ trường hợp nào là cô lập mà trường hợp nào là cách ly, phải không các bạn.
Vâng vậy thì cô lập trong tiếng Anh là isolation/isolate, còn cách ly trong tiếng Anh là quarantine. Xin nhớ dùm các bạn nhé.
Nhân tiện, từ quarantine còn có nghĩa là kiểm dịch. Ví dụ khi bạn muốn nhập một số thực vật hoặc động vật sống vào nước khác thì hàng hóa của bạn sẽ được giữ lại để kiểm dịch trước khi cho các bạn mang về nhà.
------
Sau đây là một số ví dụ từ báo chí hôm nay
1. Sen. Ted Cruz and Rep. Paul Gosar will self-quarantine after interacting with individual with coronavirus (CNN March 9th 2020) - Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Dân biểu Paul Gosar sẽ tự cách ly sau khi tương tác với cá nhân nhiễm coronavirus.
2. Northern Italy quarantines 16 million people (BBC March 8th 2020) - Bắc Italia cách ly 16 triệu người.
3. Coronavirus: Should I self-isolate and how do I do it? (BBC March 6th 2020) - Lưu ý bài này dùng từ self-isolate với nghĩa "tự cách ly" chứ không phải là "tự cô lập", vì nội dung bài nói về những người nghi đã phơi nhiễm chứ không phải là những người đã xác định có bệnh. Chứng tỏ ngay cả người Anh cũng không phân biệt hai từ này, trừ trường hợp đó là một nhà dịch tễ học
Cuối cùng, ai muốn phân biệt rõ nghĩa hai từ này thì đọc ở dưới đây nè. Đọc mà không hiểu thì chép bỏ vô Google Translate app cho nó dịch cho thì sẽ hiểu hết. Chép từ trang chuyên môn đấy chứ không phải vừa đâu, hi hi...
4. What is the difference between isolation and quarantine?
Isolation and quarantine are public health practices used to stop or limit the spread of disease.
Isolation is used to separate ill persons who have a communicable disease from those who are healthy. Isolation restricts the movement of ill persons to help stop the spread of certain diseases. For example, hospitals use isolation for patients with infectious tuberculosis.
Quarantine is used to separate and restrict the movement of well persons who may have been exposed to a communicable disease to see if they become ill. These people may have been exposed to a disease and do not know it, or they may have the disease but do not show symptoms. Quarantine can also help limit the spread of communicable disease.
Vậy nhé. Chúc các bạn học tốt trong mùa đại dịch (thay vì ngồi than trời trách đất). Và đừng quên rửa tay thường xuyên. Don't forget to wash your hands regularly.
Hẹn gặp lại các bạn trong bài tới. 

Tiếng Anh theo dòng thời sự (3): Phong tỏa và cách ly

Vụ đại dịch này kéo dài quá, không biết đến bao giờ mới hết? Nên những bài học của chúng ta, mặc dù có tên là "theo dòng thời sự", nhưng có lẽ phải đổi lại là "theo dòng đại dịch" thì mới hợp lý chăng?
Hôm trước tôi có viết bài về việc bệnh viện dã chiến tiếng Anh là gì; hy vọng các bạn còn nhớ. (Nếu không nhớ, xin hãy tạo thói quen mở ngay Google App ra, dùng chức năng conversation để đọc bằng tiếng Việt để cho Google dịch tự động bằng tiếng Anh. Thì sẽ ra kết quả ngay thôi.)
Hôm nay nhìn thấy tựa báo này có hai từ phong tỏa và cách ly nên nhân tiện chúng ta học luôn hai từ này.
Trước hết là từ cách ly. Từ này có dạng động từ và dạng danh từ. Động từ là isolate (nhấn vần đầu). Danh từ là isolation (nhấn vé ở vần đầu nhấn chính ở vần 3). Tự cách ly là self-isolation.
Một cách nói khác để diễn tả ý "bị cách ly" là "be under quaratine", nghĩa chính xác là " đang được kiểm dịch". Cách nói này thậm chí còn phổ biến hơn cách nói ở trên.
Còn phong tỏa, nếu các bạn ra trong Google sẽ được cung cấp từ blockage (danh từ). Nhưng thực ra từ mà các bạn tìm thấy trên báo chí tiếng Anh sẽ được viết là lockdown (danh từ). Dạng động từ của từ này là hai từ rời, lock và down.
Dưới đây là một số tựa báo có sử dụng những từ này:
1. Life under coronavirus lockdown: Anxiety and empty shelves as Wuhan residents prepare for long wait (CNN, 8 Feb 2020)
2. Scared, Angry and Locked Down, Wuhan Residents Speak Up (VOA News, 25 Jan 2020)
3. Supermarkets asked to boost deliveries for coronavirus self-isolation (The Guardian, March 6th 2020)
4. 8 in Colorado Test Positive for Coronavirus, Are Isolated (US News March 6th 2020)
Chắc chắn là bạn dịch được những tựa báo này ra tiếng Anh tiếng Việt đúng không. Nếu không thì có lo gì đã có Translate Google mà chắc chắn là các bạn có app trên điện thoại của mình. Chép và dán ngay vào để dịch chứ còn chờ gì nữa.
Nhân tiện, nếu nãy giờ bạn vẫn chưa ra được từ ừ bệnh viện dã chiến thì xin nhắc luôn. Nó là field hospital. (bệnh viện ở ngoài đồng). Hoặc cũng có thể gọi là makeshift hospital (bệnh viện tạm thời). Hy vọng là bây giờ thì các bạn đã nhớ.
Văn ôn võ luyện, ông bà ta đã dạy như thế. Nhớ nhé các bạn.
Hẹn gặp các bạn trong bài sau.

Tiếng Anh theo dòng thời sự (1): Bệnh viện dã chiến

10/2/2020

Hôm nay thấy trên báo đưa tin bệnh viện dã chiến tại thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động.

Vậy "bệnh viện dã chiến" trong tiếng Anh là gì? Hẳn là nhà trường chưa bao giờ dạy cho bạn từ này. 

Nhưng không sao, đã có google. Và "thầy google" cho biết, bệnh viện dã chiến trong tiếng Anh là field hospital. Nghĩa đen là "bệnh viện ngoài đồng", hi hi. Nghe cũng có lý lắm các bạn nhỉ. Vìun bệnh viện xây vội ở chỗ trống nên cũng giống như ở ngoài đồng mà thôi.

Nhưng sử dụng google thì luôn luôn phải kiểm tra lại, vì mặc dù google rất thông minh và có thể dịch đúng đến 70, 80%, nhưng đôi khi phần 20, 30% còn lại của google cũng sai kinh khủng lắm. Vì vậy, nếu bạn tự học chứ không có thầy để hỏi thì luôn phải làm độc tác ngược lại, là dùng từ mà google mới cung cấp để đi tìm xem người bản ngữ có thực sự dùng từ như vậy hay không.

Vậy thì tôi đã tìm, và đã thấy, hurrah!

Sau đây là một vài câu tiếng Anh có chứa từ field hospital. Liên quan đến vụ đại dịch ở Vũ Hán.

"The first coronavirus patients have arrived at a Chinese field hospital built from scratch in under two weeks at the frontline of the outbreak, state media said." (The Guardian, Feb 4, 2020)

"Authorities in China have glorified the rush to build two infectious disease hospitals in a matter of days at the epicentre of the coronavirus outbreak that has now claimed at least 490 lives on the mainland, with live streams showing the construction and the arrival of the first patients at Huoshenshan field hospital in Wuhan on Tuesday." (Aljarzeera, Feb 3, 2020)

Vâng, vậy bệnh viện dã chiến trong tiếng Anh là field hospital. Google đã bảo thế. Nhưng hóa ra đó không phải là cách duy nhất. Tiếng Anh còn một cách khác để gọi loại bệnh viện này. Đó là "makeshift hospital". So với từ field hospital, từ makeshift hospital dường như ít phổ biến hơn một chút.

Dưới đây là vài câu có chứa từ "makeshift hospital" trong các mẩu tin thời sự gần đây.

"Second makeshift hospital begins operation in Wuhan." (The Star, 10 Feb 2020)
(Bệnh viện dã chiến thứ 2 bắt đầu hoạt động tại Vũ Hán.)

"Wuhan opens another makeshift hospital to fight virus." (Business Insider, 8 Feb 2020)
"Vũ Hán mở thêm một bệnh viện dã chiến để chiến đấu với virus."

Vậy từ makeshift có nghĩa là gì? À, nó chỉ có nghĩa là tạm thời thôi. Makeshift hospital chính xác là bệnh viện tạm thời, dựng vội lên để có cái mà dùng.  Cũng rất đúng.

Nhưng từ dã chiến rõ ràng là hay hơn. Dã có nghĩa là ngoài trời, ngoài đồng ruộng. Giống như trong từ dã ngoại. Còn chiến là đánh nhau. Dã chiến tức là đưa nhau ra ngoài đồng đánh lộn, hi hi.

Có người bảo rằng từ dã chiến ở đây dùng không đúng. Vì có chiến tranh gì đâu mà đòi chiến?

Nhưng từ chiến gợi lên không khí khẩn cấp như trong thời chiến. Cho nên theo tôi từ dã chiến dùng trong bệnh viện dã chiến là một từ rất đắt.

Đó cũng là lý do tại sao từ field hospital lại phổ biến hơn từ makeshift hospital. Đang mùa dịch mà, phải dùng từ ngữ sao cho nghe thấy khẩn trương, gấp rút lên để mọi người cùng hành động.

Chứ ai lại viết "bệnh viện tạm thời" nghe tầm thường quá phải không? :)

Ngôn ngữ báo chí mà, phải viết sao cho hấp dẫn thì người đọc mới chịu mua báo chứ?

Vâng, tạm thời bài học hôm nay chỉ có thế. Đừng tham học nhiều quá, mỗi ngày chỉ học một ít thôi, thì mới tiêu hóa được. Năng nhặt chặt bị, các bạn ơi!

Hẹn các bạn bài sau nhé.

Tiếng Anh theo dòng thời sự (2): Điểm báo hàng tuần ngày 8/3/2020

Một trong những cách tự học tiếng Anh hiệu quả nhất với người trưởng thành là học qua tựa báo. Vừa đọc tin tức hàng ngày lại vừa học từ vựng tiếng Anh.
Và nếu các bạn chăm hơn một chút thì có thể chép và dán lên lên Google Translate app để nghe phát âm rồi đọc theo thì chẳng bao lâu trình độ tiếng Anh của các bạn sẽ lên vù vù đó.
Xin điểm qua một số tựa báo đáng quan tâm tuần này.
1. Recovered coronavirus patient, 36, dies of the disease five days after being discharged from a hospital in Wuhan (Daily Mail, March 5th 2020)
2. Four women were serious candidates for president. What happened? (CNN, March 6th 2020)
3.California National Guard delivers coronavirus test kits to cruise passengers stranded off coast. (Fox News, March 6th 2020)
4. Deserted oil wells haunt Los Angeles with toxic fumes and enormous cleanup costs ( Los Angeles Times March 5th 2020)
Dưới đây là bản dịch do Google cung cấp. Các bạn đọc xem có chỗ nào không ổn hoặc có sai sót thì nêu ra trong phần comments để chúng ta cùng học nhé.
1. Bệnh nhân coronavirus đã hồi phục, 36 tuổi, chết vì căn bệnh này năm ngày sau khi được xuất viện tại Vũ Hán (Daily Mail, ngày 5 tháng 3 năm 2020)
2. Bốn phụ nữ là ứng cử viên nặng ký cho chức tổng thống. Chuyện gì đã xảy ra? (CNN, ngày 6 tháng 3 năm 2020)
3. Vệ binh quốc gia California cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm coronavirus cho hành khách đi tàu ngoài khơi. (Fox News, ngày 6 tháng 3 năm 2020)
4. Các giếng dầu bỏ hoang ám ảnh Los Angeles với khói độc và chi phí dọn dẹp khổng lồ (Thời báo Los Angeles ngày 5 tháng 3 năm 2020)
Những từ ngữ cần học trong tuần:
- recovered patient = bệnh nhân đã hồi phục
- discharged from the hospital = được xuất viện (vì đã khỏi bệnh)
- candidates for president = ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống
- test kit = bộ công cụ xét nghiệm
- stranded off coast = bị kẹt ở ngoài khơi
- cruise passengers = hành khách trên du thuyền
- deserted oil wells = giếng dầu bỏ hoang
Bạn có để ý không? Danh sách của tôi dừng lại ở mục  từ thứ 7. Chỉ có 7 mục từ từ thôi à, sao ít vậy, thì học đến bao giờ mới xong - chắc bạn đang tự hỏi thế. Ấy chết, đừng có vội. 7 muc từ cho 1 tuần, tức mỗi ngày 1 mục từ, cũng không ít lắm đâu. Tôi dám cá ít nhất phải đến 50% các bạn đã đọc bài này sẽ không còn nhớ nổi dù chỉ 1 từ trong số 7mục từ mà chúng ta mới học hôm nay. Trừ phi ngày nào các bạn cũng đọc lại để ôn.
Nên mới nói, văn ôn võ luyện là như vậy. Học ngoại ngữ, cũng giống như chơi với người Hà Nội, thì "không vội được đâu" ,ha ha!

Hẹn các bạn trong bài tới.

Saturday, March 7, 2020

Học cách tự học tiếng Anh dành cho người lớn mất căn bản - bài 1

Bài này đã được đăng lên trên Facebook giờ đưa về đây để lưu. Và để tiếp tục chia sẻ.
------

Vì sao bạn học tiếng Anh mãi mà không thành công - Or: Học cách tự học tiếng Anh dành cho người lớn mất căn bản (1)

Chà chà, cái tựa của bài này nghe dài dòng quá phải không. Nhưng nó đúng là điều tôi muốn nói.

Rất nhiều người Việt Nam đã học tiếng Anh ở trường phổ thông hết 7 năm từ lớp 6 đến lớp 12 sau đó vào đại học học thêm ba bốn năm nữa. Ra trường ai cũng có chứng chỉ trình độ tiếng Anh mà ngày xưa thì gọi là trình độ B, còn bây giờ thì gọi là B1. Thế nhưng khi thực sự cần sử dụng thì hầu như không ai dùng được nhiều hơn mấy câu như Hello what's your name? My name is Lan. I am twenty six years old. How are you? I'm fine thank you. And you? Rồi sau đó thì trốn sạch vì có đứng lại mà người ta hỏi thêm thì sẽ không nói thêm được câu nào nữa.

Vì sao thế? Tôi đã đem câu hỏi này đi hỏi nhiều người và mỗi người cho tôi một câu trả lời khác nhau. Đa số cho rằng ở trường dạy dở quá, toàn sử dụng phương pháp câm điếc (!) thì làm sao mà có thể nghe với nói được.

Cũng có những người cho rằng hồi còn đi học thì tiếng Anh của mình thuộc loại không tệ nhưng khi ra trường đi làm không có cơ hội sử dụng thành ra quên hết. Bây giờ trong đầu không còn gì nữa mà cũng chẳng có thì giờ hoặc không có tiền để đi học cho nên đành bó tay chịu dốt.

Người khác thì cho rằng do mình không có động cơ, bởi vì học tiếng anh chỉ dành cho những người có năng khiếu đặc biệt hoặc đặc công việc buộc phải có tiếng Anh. Chứ mình không có năng khiếu mà trong công việc cũng chẳng cần sử dụng thì học để làm gì. Bây giờ cảm thấy cần thì đã lớn tuổi ra không học được nữa nên cũng chấp nhận, không băn khoăn gì.

Với những người này tôi đều đồng ý một phần nhưng tôi cho rằng họ vẫn chưa chạm được tới nguyên nhân cốt lõi. Thực ra ra để giỏi bất cứ một điều gì - kể cả học tiếng Anh - thì trước hết kết bạn phải nắm được những điều cốt lõi để thực hiện điều đó một cách hiệu quả.

Muốn có nhiều khách hàng thì phải học phương pháp giao tiếp với khách hàng cho hiệu quả. Muốn sản phẩm của mình được nhiều người biết đến thì phải học phương pháp quảng bá sản phẩm sao cho có hiệu quả. Muốn quản lý quy trình sản xuất thì phải biết phương pháp quản lý sao cho đạt hiệu quả tối ưu. Vậy thì muốn học tiếng Anh cho giỏi trước hết phải biết phương pháp học tiếng Anh Anh hay còn gọi là học cách học (learn how to learn).

Vậy nên những bài viết của tôi đưa lên trên Facebook không chỉ giúp cho các bạn học được hoặc nhớ lại một ít tiếng Anh mà chủ yếu giúp các bạn tự học tiếng Anh, để sau này không cần có thầy, không cần có hướng dẫn của ai, bạn vẫn tự đi được.

Vậy để tự học một ngoại ngữ - trong đó có cả tiếng Anh bạn sẽ cần gì?

Tôi nghĩ trước hết bạn cần nắm được hệ thống phát âm của ngôn ngữ đó đó và phát âm cho đúng, để cho người nghe hiểu được bạn muốn nói gì. Rồi sau đó khi bạn cần nói bất cứ điều gì thì bạn đều có thể chuẩn bị trước để lên nói và phát âm đúng.

Nếu làm được như vậy thì không có lý do gì mà bạn lại không tự tin. Đã tự tin rồi thì sẽ hăng hái sử dụng và dùng nhiều thì nhớ và trở thành kỹ năng - chỉ đơn giản thế thôi. Bước đầu hãy cứ như thế: phát âm cho đúng.

Nhưng làm sao để tự học? May quá, thời nay ngữ liệu  để cho các bạn học tiếng Anh hoàn toàn không thiếu thậm chí là quá thừa. Và chính vì nó quá nhiều nên các bạn mới bị loạn trước một rừng các ngữ liệu để không biết bắt đầu từ đâu. Vậy với những người chỉ cần giao tiếp căn bản in để lấy lại sự tự tin khi cần phải nói tiếng Anh với ai đó, tôi xin giới thiệu series VOA Learning English, bắt đầu từ trình độ cơ bản nhất.

Nó đây các bạn; mỗi ngày chỉ 5 phút thôi. Từ từ và đều đều. Mở lên nghe và lặp lại. Sau đó Google Translate app rồi chọn chức năng conversation (icon hình hai cái micro),  chọn dịch từ Anh sang Việt. Nếu Google Translate hiểu bạn và ghi lại đúng những gì bạn nói thì bạn đã thành công rồi đó.

Dưới đây là link của bài đầu tiên trong level 1 của series VOA Learning English. Chúc các bạn may mắn trong hành trình tự lấy lại căn bản tiếng Anh của mình và hẹn gặp lại các bạn ngày mai.

Thursday, March 5, 2020

Từ vựng báo chí tiếng Anh (1): Thế hệ Z, thế hệ Y, thế hệ X, và baby boomers

Dẫn: Bài này là một status tôi  mới viết trên fb, đưa về đây để lưu vì nó có liên quan đến tiếng Anh. Enjoy!
-------------
Nếu bạn đọc báo bằng tiếng Anh, bạn sẽ thường xuyên gặp những từ này: baby boomers, generation X, Y, Z, hoặc Millenial (generation). Vì những từ này thường không được dạy trong trường, nên bạn sẽ thấy vô cùng lúng túng.
Vậy những từ đó có nghĩa là gì? Chỉ cần nhìn hình dưới đây là đủ, các bạn ạ. Mỗi thế hệ là 25 năm, bắt đầu với năm 1945 khi WWII vừa kết thúc. Thế hệ ấy gọi là baby boomers, vì đó là giai đoạn mới kết thúc một cuộc chiến lớn đầy đau thương chết chóc, và những người còn sống sót sau thời gian này cảm thấy rất mừng vì đã qua giai đoạn khổ cực, nên ... vui vẻ sinh con cho thỏa sức.

Rồi sau đó thì đến thế hệ X (Gen X), thế hệ của các anh hippie tóc dài quần loe, "mặc áo rách đứng bên nhà thờ", từ năm 1965 đến trước năm 1980. Thế hệ của chiến tranh VN, của phong trào phản chiến, của những bài hát về thân phận con người của Bob Dylan với TCS.... Tại sao thế hệ này được gọi là Gen X thì các bạn đọc trong bài (link: https://www.kasasa.com/articles/generations/gen-x-gen-y-gen-z?fbclid=IwAR2vpX0hnZrQgsDdqGlI2GE7rb9QZChjHUhe5eLrDc_l5O_zUNE01bDPy1wsẽ rõ. Còn nếu không rõ thì ... viết comment hỏi tôi, he he.
Sau thế hệ X, tất nhiên là phải đến thế hệ Y (1980 - 1994), và sau đó nữa là Gen Z, chính là thế hệ trẻ hiện nay (1995-2019). Còn thế hệ sau nữa, tức là những bé sanh trong năm 2020 này sẽ được đặt tên gì ư, cái này thì còn phải chờ xem xu thế của thời đại là gì, nhưng chắc chắn không còn đặt tên bằng các mẫu tự được nữa, vì X, Y, rồi Z là hết mẫu tự rồi...
(Nhưng ai biết được, có khi người ta lại đặt thế hệ bắt đầu từ năm 2020 là Gen A cũng nên? Vì hết khi dùng hết mẫu tự trong bảng chữ cái rồi, thì hoàn toàn có thể bắt đầu từ đầu lại bằng mẫu tự A, chứ sao?)


Làm sao biết trình độ tiếng Anh của bạn ở đâu? Or - Test your own English level

Hi các bạn, sorry là tôi không giữ được lời hứa mỗi tuần đưa bài mới ít nhất một lần, do vụ coronavirus gây xáo trộn tùm lum kế hoạch của tôi. Và cũng rất vui khi hôm nay mở ra thấy số người theo dõi đã lên đến gần 30 - well, thực ra là sẽ có người nói là quá nhỏ và quá chậm (dù cũng có tăng).

Nhưng có hề gì, miễn đừng đứng yên một chỗ thôi, chứ có tăng là tốt rồi, còn nhỏ và chậm ư, bạn có biết những câu này trong tiếng Anh không - Slow, but sure - chậm nhưng mà chắc; và Small is beautiful - nhỏ mới đẹp! Nên chúng ta cứ bình tĩnh và tự hào, từ từ và đều đều là ok rồi vì đó cũng là phương châm đầu tiên của việc học tiếng Anh đó các bạn.

Nào, warm-up như thế là đủ rồi nhé, giờ thì đi vào chủ đề chính này. Không rõ là tôi có nhắc tới điều này ở đâu chưa, có thể là đã nhắc, nhưng nhắc lại cũng không hại gì. Rằng, hầu hết những người thành công trong việc học ngoại ngữ  đều là những người biết tự học- tức là học xong rồi sử dụng được, chứ không phải chỉ để lấy một mảnh giấy chỉ có giá trị nộp vào hồ sơ xin việc, xin học, xin học bổng gì gì đấy cho đủ bộ, chứ không có thêm chút tác dụng nào.

Bạn nào không tin, xin cứ tự đi tìm những người mà bạn biết rõ là giỏi ngoại ngữ, rồi phỏng vấn xin bí quyết của họ, thì sẽ thấy, chắc chắn phải có đến trên 90% sẽ nhắc đến năng lực tự học. Số còn lại có thể không nhắc đến hai từ "tự học", nhưng chẳng qua đó là do họ có năng khiếu đặc biệt nên học rất dễ dàng, hoặc họ có đam mê với ngoại ngữ, suốt ngày tiếp xúc với nó qua âm nhạc, tin tức, phim ảnh truyền hình, computer games, nên ngoại ngữ tự ngấm vào trong người hồi nào không hay, và vì thế không thấy là mình đang "tự học" vì họ đang chơi mà chứ đâu có học (nhưng thực ra đó vẫn là tự học!).

Nói cách khác, tôi cho rằng dù những người ấy có ý thức về sự "tự học" của mình hay không, thì "tự học" vẫn là bí quyết căn bản, đầu tiên, điều kiện cần và thậm chí có thể là điều kiện đủ để thành công trong việc học ngoại ngữ. Tôi nói thật đấy, ai không tin thì ... cứ thử đi, sẽ thấy, hi hi....

Nhưng để tự học, thì đầu tiên phải biết mình ở đang đâu, rồi mới bắt đầu xây dựng lộ trình dựa trên mục tiêu cần đạt, và kế hoạch thực hiện theo lộ trình ấy. Để dễ hiểu, các bạn hãy hình dung nếu bạn đi đăng ký học ngoại ngữ ở một trung tâm, thì việc đầu tiên mà người ta sẽ làm là yêu cầu bạn kiểm tra trình độ, rồi dựa trên đó mới xếp bạn vào lớp đúng với trình độ của bạn. Thì khi tự học cũng vậy, bạn cần có công cụ kiểm tra, để có thể thực hiện kiểm tra chính mình một cách chính xác với kết quả tin cậy được.

Nhưng không có thầy (vì tự học mà), thì bạn biết lấy đề kiểm tra ở đâu ra để mà tự kiểm tra. Ồ, câu hỏi này cách đây 20 năm trở về trước thì có thể chấp nhận được, chứ bây giờ, chúng ta đã trải qua 2 thập niên của thế kỷ 21 rồi, thời đại mà ngay cả những người già (như tôi) cũng thuộc lòng câu ca dao mới, rằng

Trăm năm trong cõi người ta
Cái gì không biết thì tra gúc - gồ

mà bạn còn hỏi tìm công cụ kiểm tra ở đâu thì ... thực là ... yếu quá, he he (thì thời đại toàn cầu hóa và công nghệ 4.0 hiện nay, mà không có tiếng Anh và không biết tự tìm thông tin thì ... nên dũng cảm nhận là mình yếu để tiến bộ thôi, chứ còn thắc mắc gì nữa he he)

Vấn đề là ở chỗ, bài kiểm tra trên mạng đn tự kiểm tra thì không hề thiếu, nhưng vấn đề là nó có chính xác và đáng tin cậy không cơ chứ? Và làm sao bạn có thể biết được điều này, khi bạn chỉ mới là một người tự mò mẫm dò đường chứ không phải là một chuyên gia để có thể đưa ra những phán đoán của riêng mình?

Chà, khó thật nhỉ. Nhưng đó chính là lý do tại sao tôi lập trang blog này. Vâng, để giúp các bạn con đường tự học của mình. Trước hết là cung cấp cho các bạn những công cụ mà các bạn có thể sử dụng cho việc tự học với độ tin cậy tương đối, chứ không phải mò mẫm thử và sai.

Trước hết xin giới thiệu với các bạn 2 trang tớ kiểm tra năng lực tiếng Anh của bạn. Đầu tiên là trang test your vocabulary tại địa chỉ testyourvocab.com

và trang thứ hai là https://dialangweb.lancaster.ac.uk/

Một khi bạn đã biết được trình độ của mình đang ở đâu thì bạn sẽ biết được lộ trình của mình cần đi là như thế nào.

Tạm thời các bạn hãy vào nghịch ngợm ở đó, rồi hôm sau tôi sẽ sẽ viết tiếp để hướng dẫn các bạn và trả lời những thắc mắc nếu có.

Chúc các bạn may mắn trong cuộc hành trình tự học với các công cụ mà tôi vừa giới thiệu.