Tuesday, March 17, 2020

Tiếng Anh theo dòng thời sự (8): Xét nghiệm trên đường, phong tỏa diện rộng, và đóng cửa hoàn toàn

Loạt bài tiếng Anh theo dòng thời sự này tôi viết đã được gần 1 chục bài, mà hầu như vẫn chỉ xoay quanh có mỗi một chủ đề dịch cúm Vũ Hán thôi, và chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Nhưng thôi, với người học tiếng Anh thì nhồi đi nhồi lại một chủ đề - và đây là hoàn toàn tự nhiên chứ không phải là do dàn dựng trước - cũng là một cách để "thụ đắc ngôn ngữ - acquire a language" mà không cần phải nỗ lực một cách vất vả, nhàm chán. Thì, như người Anh vẫn thường nói, "Every cloud has a silver lining" mà lại.

Nhân tiện, ai chưa biết câu này có nghĩa là gì, thì cần học ngay đi thôi, vì sử dụng được thành ngữ, tục ngữ khi giao tiếp là một dấu hiệu của khả năng ngôn ngữ ở mức cao đấy. Câu tiếng Việt tương đương của câu tục ngữ trên là "trong cái rủi có cái may". Còn tại sao lại như vậy thì, well, bạn chỉ cần gõ lên google search câu hỏi "every cloud has a silver lining là gì?", Dr. Google sẽ giải thích cho bạn cặn kẽ. Quả thật, chưa bao giờ việc tự học lại dễ như thời nay, cho nên ai mà ... dốt, cái gì cũng không biết, thì chỉ có thể tự trách mình thôi, thật thế.

Nào, giờ thì quay lại với bài học hôm nay. Chắc hẳn trong mấy ngày qua các bạn đã đọc những tin tức liên quan đến việc Mỹ bắt đầu thực hiện việc "xét nghiệm trên đường (có nơi dịch là xét nghiệm trên xe)", tức là không cần đến bệnh viện mà cứ ngồi trên xe hơi "lái xuyên qua" (drive-thru) các trạm xét nghiệm (testing) giống như lái xe qua trạm thu phí ở các xa lộ, và được trả kết quả ngay lập tức (xem hình).

Từ drive-thru (hoặc drive-through) thì không mới trong tiếng Anh. Phổ biến nhất là drive-through restaurants, đa số là fast food, nơi khách hàng có thể chạy xe đến nơi, thò đầu qua cửa kiếng xe để trả tiền và nhận hàng, rồi tiếp tục lái đi mà không cần phải xuống xe và tìm chỗ đậu xe - đôi khi rất khó tìm. Nhưng drive-thru testing thì quả là mới thấy trong mùa đại dich này thôi. Hàn quốc đã áp dụng cách xét nghiệm này trước và đã tương đối thành công trong việc khống chế dịch, còn bây giờ thì Mỹ bắt đầu áp dụng.

Riêng VN, chắc là còn lâu mới có, nhưng mà không sao, chúng ta có cách của mình, tức là cứ cách ly, cô lập và phong tỏa mà áp dụng. Mà cũng hiệu quả ra phết, nhỉ. Cách ly và cô lập (quarantine và isolate/isolation) thì người VN đã quen rồi, còn phong tỏa (lockdown) thì cho đến nay mới thấy làm trên phạm vi hẹp như Sơn Lôi thôi, chứ chưa phải phong tỏa diện rộng (large-scale lockdown) như ở nhiều nơi.

Mặc dù VN so ra vẫn còn tương đối yên ổn (?) nhưng rõ ràng là không thể chủ quan, vì sau một thời gian dừng lại ở con số 16 ca thì gần đây số ca nhiễm bỗng tăng vọt, đến giờ đã quá 50 chỉ trong vòng một tuần lễ. Mới đây, VN đã thắt chặt kiểm soát hơn bằng cách đóng cửa (shutdown) một số dịch vụ không thiết yếu mà lại dễ lây nhiễm như karaoke, massage, spa ... Nhưng dù sao cũng đỡ hơn nhiều nơi khác, chỉ là đóng cửa một phần (partial shutdown) chứ như ở Ý chẳng hạn, toàn bộ mọi hoạt động đều bị đóng cửa (complete shutdown), và các thành phố lớn ngày nào đông đúc là thế giờ vắng lặng như những thành phố ma.

 Nào, chúng ta ôn lại nhưng từ vừa học theo dòng thời sự hôm nay nhé:

- xét nghiệm trên xe/ trên đường = drive-thru testing
- phong tỏa diện rộng = large-scale lockdown (nếu bạn tra google translate app, nó sẽ cho kết quả như thế này: wide area blockage - và tất nhiên không ai nói như thế các bạn nhé)
- đóng cửa hoàn toàn = complete shutdown.

Vậy đó, thời dịch bệnh nên những từ cần học cũng ảm đạm. Nhưng chắc chỉ cần học qua một lần là chúng ta sẽ nhớ những từ này suốt đời thôi. Vì học cách học ngoại ngữ tốt nhất là "sống" nó, trải nghiệm nó, để có thể thụ đắc không chỉ qua đầu óc, mà còn qua cảm xúc nữa, các bạn ạ.

Xin hẹn các bạn ngày mai.

No comments:

Post a Comment