Sunday, March 29, 2020

Góc tiếng Việt (1): Dấu hay là giấu?

Góc tiếng Việt (1): Dấu hay là giấu?
---
Chẳng rõ tại sao, mà gần đây tôi hay bắt gặp nhiều lỗi sai tiếng Việt trong các bài viết. Sai đủ loại, nhưng sai chính tả có vẻ nhiều nhất.

Nên phải lập ra mục Góc tiếng Việt này để ghi lại những chỗ sai, và giúp mọi người hết sai bằng cách đưa ra những mẹo nhớ (tiếng Anh là mnemonics [đọc là ni- 'mou- nik, nhấn vần 2]; từ này hiếm, học đi vì bạn mà sử dụng được từ này đúng nơi đúng chỗ là sẽ "khè" được nhiều người lắm đó hi hi).

Nói thêm một chút về mẹo nhớ. Chắc ai hồi còn đi học phổ thông cũng đã từng nhớ những mẹo kiểu như  "phải kính phục thầy" (để nhắc luật số nhiều của những danh từ có âm cuối là f, k, p, t khi thêm -s sẽ đọc là /s/, không phải /z/) hoặc "khi nào cần may áo rét..." (là mẫu tự đầu của tên các kim loại kiềm trong bảng phân loại tuần hoàn theo thứ tự là Kali, Natri, Calcium, Magnesium,...).

Nhờ những mẹo này mà những danh sách dài các từ ngữ hay sự vật không có chút liên hệ gì với nhau đã  kết dính lại với nhau bằng một mối liên hệ "áp đặt" do người đặt mẹo tạo ra để dễ nhớ. Nhờ vậy mà những từ ngữ hoặc sự vật rời rạc đó đã trở thành một khối thống nhất và không thể quên được nữa.

Vậy thì công việc của tôi ở đây chỉ là đi nhặt nhạnh những chỗ các bạn hay sai do lẫn lộn và đặt mẹo nhớ ra cho mọi người cùng nhớ để không bị sai nữa, có vậy thôi.

Nào, bây giờ quay lai "dấu và giấu", chủ đề của hôm nay. Cả hai từ này đều tồn tại trong tiếng Việt nhưng có ý nghĩa khác nhau.

"Dấu" viết với "d" là có nghĩa là "dấu hiệu"; tiếng Anh là "sign".  Còn "giấu" viết với "gi" có nghĩa là "che giấu";  tiếng Anh là "hide". Ngoài ra từ "dấu" còn hay gặp trong cụm từ "yêu dấu" - mặc dù tôi cũng không rõ từ "dấu" ở đây có nghĩa là gì.

Well, giải thích như thế thì chỉ một lần là biết rồi; nhưng khổ một nỗi là vẫn không nhớ được. Trong tiếng Việt cả "dấu" lẫn "giấu" đều được đọc giống nhau trong nhiều phương ngữ (ví dụ người miền Bắc gốc giống như mẹ tôi thì đều đọc cả hai từ bằng âm /z/ có hơi gió), nên đến lúc viết thì cũng không nhớ rõ là cần phải dùng "d" hay "gi". Cho nên cần phải có một mẹo gì đó để có thể nhớ.

Ok, cần mẹo thì mẹo đây. Trong bảng chữ cái thì d đứng trước "g", có phải không?  Vậy hãy nhớ những câu này, trong đó có dấu và giấu xuất hiện theo đúng thứ tự alphabet:

"Em yêu dấu, anh chẳng có gì để phải giấu em cả."

(Ái chà chà, anh chàng này ngày nào mà phải nói câu này thì chắc chắn là đang có một cái gì đó cần phải giấu,  các bạn nhỉ.  Đáng ngờ quá đi thôi.)

Một câu khác nhé:

"Đã có dấu hiệu của sự che giấu thông tin".

Vâng, che giấu thông tin là cụm từ ta thường xuyên gặp vào lúc này, giữa mùa đại dịch. Người ta đang nghi ngờ không biết Trung Quốc có giấu thông tin về về bệnh dịch ở nước này hay không, khi số lượng tử vong cho tới nay vẫn chỉ hơn 3.000 người trong khi các nước khác như Mỹ hoặc Ý đã vượt qua con số này nhiều rồi.

"Giấu" thông tin, chứ không phải là "dấu" như sáng giờ tôi đã bắt gặp vài lần trong các status mà tôi đọc rồi các bạn nhé.

Nào, lần cuối cùng chúng ta hãy lặp lại, nhất là các bạn trai đang có bồ nhí giấu ở đâu đó cần phải thề thốt với vợ:

Em yêu dấu anh chẳng có gì phải giấu em cả...

[Vâng , xin thề đó đúng là sự thật: Anh không giấu "cái gì" cả, anh chỉ giấu một cô bồ nhí thôi mà ...]

:) :) :)
Happy Sunday, các bạn nhé!

No comments:

Post a Comment